Theo Jane Nelsen – tác giả bộ sách Kỷ Luật Tích Cực, “sai lầm là cơ hội để học hỏi”. Nếu ba mẹ khắt khe với lỗi sai của trẻ thì sẽ không thể “buộc” trẻ làm tốt hơn lần sau. Ngược lại, nếu nhìn nhận một cách tích cực thì sẽ giúp trẻ tăng sự tự tin, tò mò, sáng tạo và gắn kết tình cảm giữa ba mẹ và con cái một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể làm được điều đó.
Dưới đây là 4 nguyên tắc mà ba mẹ cần biết để cùng con giải quyết vấn đề sau khi mắc lỗi theo phương pháp Kỷ Luật Tích Cực.
Ghi nhận cảm xúc của trẻ
Đa số người lớn quan niệm rằng phạt trẻ sẽ làm trẻ tiến bộ và thay đổi hành vi nhưng lại không nhận ra được tác hại lâu dài của phương pháp này. Những sự trừng phạt hay chỉ trích chỉ khiến trẻ thu mình lại, hình thành suy nghĩ mình kém cỏi, tồi tệ, ít có giá trị, thù ghét bản thân và người khác. Trẻ thụ động, nhút nhát, quyết định không mạo hiểm và chỉ cố gắng làm hài lòng người lớn, đánh mất sự tự tin của chính mình
Do đó, việc thừa nhận cảm xúc của trẻ là hết sức cần thiết khi ba mẹ muốn đến gần hơn và dạy trẻ nhiều hơn để định hướng trẻ theo chiều hướng tích cực. Đối với lỗi sai của trẻ, thay vì bày tỏ thái độ thất vọng, hành động thiếu lý trí, thì ba mẹ nên rút lui khỏi sự xung đột trước để lấy lại sự bình tĩnh. Sau đó hãy thẳng thắn trao đổi và xác định xem chúng đang cảm thấy như thế nào bằng một số câu hỏi gợi mở như “ con cảm thấy thế nào về chuyện vừa/đã xảy ra?” hoặc “chắc con rất buồn vì chuyện đó”, “con cảm thấy không hài lòng vì chuyện đó?”,….
Thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông
Sau khi đã nhận biết được cảm xúc của con, ba mẹ nên thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông với con. Hình phạt có thể ngăn hành vi không đúng mực ngay lập tức nhưng sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề. Chỉ có cách cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương, cảm thông và thấu hiểu mới mang lại được kết quả tốt đẹp và lâu dài.
Vậy làm sao để thể hiện sự thấu hiểu với con lúc này? Ba mẹ hãy bình tĩnh chấp nhận hành động thiếu lý trí của trẻ. Ở một vài trường hợp, việc chia sẻ những trải nghiệm tương tự sẽ giúp trẻ cảm thấy được sự gần gũi. Ví dụ, khi con bị điểm kém, ba mẹ có thể kể rằng “ngày xưa, ba/mẹ cũng bị điểm kém như vậy, ba/mẹ cũng đã rất sợ giống như con vậy” hoặc “mẹ cũng từng đánh vỡ bát, lúc ấy mẹ đã sợ khóc thét lên như con vậy đó”.
Nói ra suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ với con.
Điều đó cũng cho con hiểu rằng, hành động của con không ảnh hưởng đến riêng bản thân trẻ mà còn liên quan tới những người xung quanh. Từ đó, dạy con cách suy nghĩ về từng hành động trước khi thực hiện. Bởi khi trẻ cư xử không đúng mực là khi trẻ đang nản chí. Chúng sẽ không suy nghĩ nhiều và chỉ thực hiện để ba mẹ biết rằng trẻ không cảm thấy gắn bó và cảm nhận được sự đóng góp hoặc vai trò của mình, trẻ đang có một niềm tin nhầm lẫn về cách đạt được điều đó.
Việc bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc giúp ba mẹ dễ dàng nói chuyện với con hơn khi sự việc xảy ra. Điều này giúp đạt được sự liên kết và thấu hiểu với con cái. Ba mẹ có thể bày tỏ rằng “mẹ rất buồn vì điều này” và giải thích cho con hiểu hành động đó của con tại sao lại làm mẹ buồn và buồn như thế nào. Đây cũng là một cách để con nhận ra hậu quả của việc làm sai trái.
Cùng đưa ra giải pháp theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau
Có 4 yêu cầu khi ba mẹ cùng con giải quyết vấn đề đó là: thích hợp, tôn trọng, hợp lý và hữu ích. Một giải pháp được lựa chọn phải dựa trên sự đồng thuận giữa ba mẹ và con cái. Đó phải là một giải pháp thích hợp và hợp lý cho vấn đề. Sau khi thực hiện giải pháp đó, con sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.
Điều quan trọng, ba mẹ nên dành thời gian để hướng dẫn trẻ thực hiện giải pháp đó đúng hướng. Có như vậy, trẻ mới có thể học hỏi được từ sai lầm và phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hãy cho trẻ cơ hội biến lỗi lầm thành cơ hội tuyệt vời để học hỏi. Trẻ sẽ nhận ra rằng việc mắc lỗi không quá kinh khủng nếu ba mẹ không làm tổn thương và nếu ba me mẹ cũng nghĩ sai lầm là cơ hội để con tiến bộ hơn.
Hy vọng những thông tin trên của Trung tâm Anh ngữ Sun Santa Trường Yên sẽ giúp ích cho ba mẹ trong việc dạy con!