Chắc hẳn đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên và đến tuổi dạy thì. Và ai cũng trải qua thời kỳ “khủng hoảng” của tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý khiến tinh thần bất an và khơi gợi trí tò mò về những điều không biết trước được. Ở nước ta, giáo dục giới tính chưa được coi là một môn học, mãi cuối năm cấp 2 các em mới được thầy cô giảng trong môn Sinh học (cấu tạo, chức năng hệ sinh sản) và chút ít ở đầu cấp 3 trong môn Giáo dục công dân (vài điều khoản của luật Hôn nhân – Gia đình). Do tình hình thực tế vẫn còn hạn chế như vậy cho nên những đứa trẻ ở tuổi dậy thì rất cần sự đồng hành của cha mẹ trong khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý này. Bố mẹ hãy mềm mỏng hiểu đúng tâm lý trẻ và đưa ra các định hướng cho trẻ.
Vậy làm sao để bố mẹ đồng hành cùng con ở tuổi dậy thì và có những định hướng đúng cho con
Thời nay “thì” bị “dậy” sớm hơn:
Trước kia điểm mốc đánh dấu một đứa trẻ bắt đầu bước qua ngưỡng cửa tập làm người lớn là “nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16). So với thế hệ trước, lớp trẻ thời nay dậy thì sớm hơn, nghĩa là độ chín về mặt giới tính đến sớm hơn, nhưng sự chín chắn về mặt xã hội, tâm lý lại chậm hơn. Các con dường như nông nổi hơn, tự do hơn trong việc quyết định cuộc sống của mình nhưng những nét đặc trưng tâm lý của tuổi hoa niên thì bao đời nay vẫn thế. Khi kèm cặp con, cha mẹ đừng nên so sánh “thời của bố mẹ thì…”
Một số em gái xuất hiện kinh nguyệt từ 10-12 tuổi, một số em trai 13-15 tuổi đã có những giọt tinh trùng đầu tiên trong những giấc mơ ẩm ướt (mộng tinh) hoặc do thủ dâm. Tâm trạng của từng em tùy thuộc vào hiểu biết của bản thân về hiện tượng này, nếu đọc sách báo hoặc được cha mẹ thầy cô và người đi trước chỉ dẫn thì sẽ bớt lo âu sợ hãi, chỉ còn lại sự hồi hộp.
Cá biệt có em dậy thì sớm, gái từ lúc 8 – 9 tuổi, trai từ lúc 11 tuổi, phụ huynh nên đưa con đi khám. Cùng với dư cân béo phì, đây được xếp vào “bệnh thời đại”.
Con gái ương ương
Các em gái lúc này vóc dáng đã mềm mại uyển chuyển hơn, làn da mịn màng hơn, đã quan tâm đến bộ ngực của mình, e thẹn khi mặc thêm chiếc áo lá hoặc chiếc nịt ngực bên trong lần áo ngoài, hơi chùng người xuống hoặc ôm cặp phía trước để che đi phần nào độ lớn của chúng. Một số em khác lại ngượng ngùng, thậm chí cảm thấy bất hạnh, khi đến tuổi này mà ngực vẫn phẳng như “màn hình TV”. Có em thích phô bày vẻ sexy như các thần tượng hoặc ăn mặc trang điểm quá lố…
Tình cảm lứa tuổi này rất dễ biến đổi, dễ xúc động và biểu hiện tính hai cực rõ rệt: Các em thường tự khép kín thế giới nội tâm của mình đồng thời lại có cảm giác mình cô độc, nếu không được giải tỏa tâm lý dễ dẫn đến trầm cảm. Tính đối kháng và tính phục tùng. Tính độc lập và tính ỷ lại. Tâm lý ất an. Thích kết bạn. Lòng tự trọng cao. Hay ghen tị với người khác hoặc mặc cảm, tự ti về bản thân một cách thái quá…
Con trai dở sống dở chín
Con trai khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể và tâm lý cũng biến đổi để dần trở nên người đàn ông trưởng thành: lông tóc mọc rậm và mau dài hơn, mọc ria mép và râu (chả thế các cụ vẫn bảo “nam tu nữ nhũ”), cục yết hầu nổi lên ở cổ, “vỡ giọng”, mọc mụn trứng cá ở trên mặt (nhiều bạn mấp mô lỗ chỗ như cái… mặt trận!), tăng chiều cao và bắp thịt tạo nên dáng vẻ riêng của phái mạnh. Bắt đầu quan tâm đến nửa kia của thế giới và luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác, thể hiện chí khí nam nhi của mình. Tâm tính thay đổi thất thường: hay nổi nóng, lòng tự ái cao, hay chống đối người cùng phái (cha, anh, thầy giáo…). Có em chải chuốt, ăn diện gây sự chú ý cho mọi người, có em lại ăn mặc xuề xòa – “bụi bụi” đến mức… phủi ra bụi, vì cho rằng chỉ có phe tóc dài mới hay đi shopping và quan tâm đến vẻ bề ngoài. Vì tâm lý bốc đồng hay nổi máu anh hùng nên dễ bị sa đà hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Cũng có những em gặp trục trặc trong tiến trình phát triển giới tính (dậy thì muộn, thuộc “hệ” trai cong…)
Sự đồng hành của cha mẹ
Biết trân trọng thân thể mình, con sẽ biết cách ứng phó với mọi tình huống, nhìn nhận về tình bạn, tình yêu, quan hệ giới tính một cách nghiêm túc. Trước khi rời ghế nhà trường, ngoài những kiến thức phổ thông, con cần hiểu biết đúng đắn về giới tính. Không chỉ những kiến thức khoa học về sinh lý, sự thai nghén sinh nở, di truyền, các bệnh tình dục,… mà còn về nhân bản, tình yêu thương, sự tự do, sự tha thứ, lòng thủy chung, ý thức trách nhiệm, tình bằng hữu.
Nếu không được quan tâm và giáo dục đúng trong giai đoạn bản lề này, các con sẽ mò mẫm tự tìm cho mình lờì giải đáp, dễ bị sa ngã dưới sức ép của bản năng.
Cha mẹ phải là “kênh thông tin chính và chuẩn” cho con về những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trước khi con bước vào.
Là hình mẫu của con mình, quyết định sự chọn lựa mục tiêu sống và người bạn đời của con mai sau. Phụ huynh phải cố gắng trở thành người mà sau này muốn con cái mình trở thành. Dạy con tốt chính là bố mẹ phải sống tốt.
Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của những “người thứ ba” ngoài gia đình và nhà trường. Người ta nói: “Để dạy dỗ một đứa trẻ, cần có cả một ngôi làng” là vậy.
Với những thông tin mà Sun Santa Trường Yên cung cấp ở trên mong rằng bố mẹ có những kiến thức đúng đắn tìm hiểu kỹ tâm sinh lý của con trẻ tuổi dậy thì để nuôi dạy con sao cho tốt.