Là cha mẹ, việc xây dựng kiến thức về cảm xúc cho con bằng cách dạy con nhận biết, gọi tên và bộc lộ cảm xúc mà con cảm thấy cũng rất cần thiết (và có thể còn hơn thế) như những thành công về học thuật, điểm số. Trẻ em có nhiều kĩ năng cảm xúc ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Việc đồng hành và hỗ trợ con nhận diện, gọi tên và bộc lộ cảm xúc là một cách để giảm các nguy cơ gia tăng sự lo âu, căng thẳng và một số vấn đề về cảm xúc khác sau này.Kiến thức về cảm xúc phản ánh những gì trẻ biết và hiểu về cảm xúc. Có các kiến thức về cảm xúc sớm được thể hiện qua khả năng xác định cảm xúc dựa trên các tín hiệu, hiểu và sử dụng tên gọi cảm xúc và nhận ra tình huống nào gợi lên những cảm xúc khác nhau. Cha mẹ có thể trở thành người hỗ trợ, huấn luyện con bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết của con về những yếu tố trên.
Học cách xác định các tín hiệu báo hiệu cách mọi người thể hiện cảm xúc khác nhau giúp con hiểu cảm xúc tốt hơn. Cha mẹ có thể dạy con nhận ra tín hiệu cảm xúc thông qua các biểu hiện trên cơ thể
Ví dụ: khuôn mặt với sự cau mày, đỏ bừng lên, giọng nói ở tông cao báo hiệu một cảm xúc cụ thể và cảm xúc đó khác với cảm giác khi con mở to đôi mắt, miệng hé mở, người hơi rướn về phía trước.Học cách gắn từ chỉ tên gọi vào các tín hiệu cảm xúc giúp con gọi tên được cảm xúc và thể hiện chúng rõ ràng hơn. Khi con xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc, cha mẹ có thể giúp con liên hệ các từ này với các cảm xúc khác nhau, để trẻ có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các tên gọi cảm xúc.Học cách nhận biết cảm xúc xuất hiện trong các tình huống khác nhau giúp con xác định những gì mà mình và những người khác đang cảm thấy và tại sao. Cha mẹ có thể giải thích giúp con hiểu những cảm xúc mà mọi người cảm thấy trong các tình huống khác nhau, những điều kích hoạt cảm xúc của họ (lời nói, hành động, người nào đó, hoàn cảnh nào đó đã kích hoạt cảm xúc của mình). Ví dụ: con có thể biết rằng A với đôi mắt đang cụp xuống vì bạn ấy cảm thấy buồn vì món đồ chơi yêu thích của mình bị hỏng hoặc buồn vì mẹ đang kể về chuyện bạn ấy hay dậy muộn trước mặt cô hàng xóm.Những trẻ em có kiến thức cảm xúc này được trang bị tốt hơn để hiểu, đáp ứng và quản lý cảm xúc của chính mình. Các con cũng có thể diễn giải tốt hơn những cảm xúc khác của người khác và phản ứng với người khác theo những cách phù hợp hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ đến trường học và bắt đầu tương tác với những người mới như giáo viên và những bạn bè khác. Ví dụ: sau khi trải qua việc bố mẹ đến đón muộn, một đứa trẻ buồn bã với các kỹ năng hiểu biết về cảm xúc có thể giải thích rằng chúng đang cảm thấy buồn/sợ và tại sao. Điều này giúp những người chăm sóc dễ dàng biết cách an ủi và cùng giúp trẻ động não các giải pháp.
Làm thế nào để xây dựng kiến thức về cảm xúc ở con?Có rất nhiều chiến lược cha mẹ có thể sử dụng để giúp con xây dựng kiến thức cảm xúc tốt hơn. Dưới đây là một vài gợi ý để cha mẹ bắt đầu:
1. Cha mẹ có thể giúp con xác định các tín hiệu cảm xúc khác nhau và nguyên nhân của chúng bằng các trò chơi đóng vai.
Sau khi làm vẻ mặt tức giận cha mẹ có thể hỏi con mình: Con có thể đoán được cha mẹ đang cảm thấy gì không? Sau đó thay phiên nhau làm những khuôn mặt cảm xúc khác nhau và đoán, tiếp theo là cùng nhau thảo luận về những điều gì có thể khiến mọi người nói chung cảm thấy như vậy
.2. Cha mẹ có thể giúp con xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc bằng cách nhận ra và tận dụng các cơ hội trong suốt thời gian ở cùng con để xác định và gọi tên những gì con có thể cảm thấy.
Ví dụ: cha mẹ có thể hỏi: “Con đang cảm thấy thế nào? Mẹ biết là con thích vuốt ve chú chó con nhưng bây giờ chúng ta phải trả lại cho bác ấy rồi. Mẹ trông thấy con có vẻ rất buồn và tiếc nuối. Con có cảm thấy buồn không?” Khi cha mẹ càng dễ dàng gọi tên các cảm xúc và các yếu tố kích hoạt chúng (lời nói, hành động, con người, tình huống nào đó), con sẽ càng dễ dàng làm điều tương tự.
3. Hỏi con về những cảm xúc mà bản thân con hoặc những người khác có thể cảm nhận được.
Bằng cách này, cha mẹ cung cấp thêm các cơ hội để con xác định, gọi tên và thể hiện cảm xúc. Ví dụ: cha mẹ có thể hỏi: “Mẹ có nghe tin rằng B không thể đến dự buổi sinh nhật C cùng cả lớp tối nay vì bạn ấy bị ốm. Con nghĩ là B cảm thấy thế nào?”
4. Khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình, đặt mình vào vị trí của con để hiểu những mong muốn bên trong của con trong các tình huống đó.
Nhắc nhớ con về việc không có cảm xúc tốt hay xấu, không có cảm xúc tích cực hay tiêu cực, tất cả các cảm xúc đều có ý nghĩa và giúp mình hiểu bản thân hơn và vì vậy không có cảm xúc nào đáng phải che giấu đi hay chỉ có một số cảm xúc tích cực mới nên bộc lộ ra ngoài. Cha mẹ có thể khen ngợi con khi con thể hiện cảm xúc ra theo những cách thích hợp và chỉ ra cụ thể biểu hiện của con khi con bộc lộ cảm xúc đó. Ví dụ: cha mẹ có thể nói: “Bố hiểu là con rất buồn khi thua cuộc trong trận bóng vừa rồi, con đã rất kì vọng mình sẽ thể hiện tốt nên kết quả này khiến con thất vọng. Nhưng bố thích cách con nói với bố về chuyện này và cảm xúc của con. Điều đó thể hiện là con tin tưởng bố nên con mới muốn bộc lộ điều này ra. Bố rất vui vì cảm nhận được điều đó ở con. Con có thể hít một hơi thật sâu và thở ra chậm rãi để giúp mình bình tĩnh hơn, vẫn có bố ở đây để lắng nghe và làm điểm tựa an toàn cho con”
5. Sử dụng các công cụ như phim hoạt hình, ảnh, sách và video để nói chuyện với con về cảm xúc
(Ví dụ: phim Inside Out). Lần tới khi cả nhà đang xem TV cùng nhau, hãy chỉ ra những nhân vật thể hiện những cảm xúc khác nhau, biểu hiện gì trên cơ thể thể hiện cảm xúc đó, gọi tên cảm xúc mà nhân vật cảm nhận và thảo luận về điều gì đã kích hoạt cảm xúc, mong muốn của nhân vật trong hoàn cảnh đó là gì? Cha mẹ cũng có thể rút ra những điểm tương đồng với cuộc sống của cha mẹ và con bằng cách chỉ ra những lúc cha mẹ hoặc con cảm thấy và cư xử theo cách đó.
Có rất nhiều cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để xây dựng kiến thức cảm xúc cho trẻ em. Người lớn không thể ngăn các con cảm thấy những cảm xúc tiêu cực hoặc buồn bã – đây là một phần quan trọng của cuộc sống và sự trưởng thành của các con. Cha mẹ có thể giúp con học cách đối phó với những cảm xúc đó bằng thực hành đầu tiên là nhận diện, gọi tên, xác định điểm kích hoạt, tìm hiểu mong muốn của bản thân và của con thông qua các gợi ý trên đây của Sun Santa hoặc cùng con thực hiện hoạt động nhé!